CẦN NHIỀU KÊNH TIẾP VỐN CHO DOANH NGHIỆP
[BÁO SÀI GÒN GIẢI PHÓNG - NGÀY 27/08/2018]
Thời gian qua, mặc dù có nhiều chính sách hỗ trợ vốn vay cho các doanh nghiệp (DN), nhưng thực tế nhiều DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ (DNVVN) vẫn chưa tiếp cận được vốn ngân hàng. Thậm chí, phải đi vay “tín dụng đen” để sản xuất kinh doanh.
Ngân hàng đồng hành
Hiện tại, TPHCM có rất nhiều chương trình ưu đãi vốn dành cho DN như: Chương trình kết nối Ngân hàng - DN, Chương trình hỗ trợ ưu đãi kích cầu, Chương trình hỗ trợ DN đầu tư phát triển sản xuất lĩnh vực công nghiệp và công nghiệp phụ trợ ... Riêng Chương trình kết nối Ngân hàng - DN TPHCM, trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng số tiền các ngân hàng thương mại giải ngân (theo gói cam kết hỗ trợ gần 260.000 tỷ đồng) là hơn 123.000 tỷ đồng cho gần 2.700 DN vay. Ngoài ra, chương trình cũng ký kết hỗ trợ vốn 120 DN thuộc lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vay gần 7.000 tỷ đồng vốn ưu đãi. Các quận huyện cũng tổ chức kết nối gần 200 DN thuộc các lĩnh vực ưu tiên được vay hơn 4.400 tỷ đồng... Ngân hàng Sacombank triển khai riêng gói cho vay ưu đãi lên đến 10.000 tỷ đồng dành cho DNVVN, đặc biệt là các DN sử dụng đồng thời nhiều sản phẩm dịch vụ của Sacombank trên phạm vi toàn quốc với lãi suất từ 6% - 7%/năm (vay ngắn hạn) và 8,5%/năm vay mua ô tô (trung và dài hạn)…
Không chỉ những gói hỗ trợ lãi suất, các ngân hàng cũng có những chính sách riêng cho khối DN này. Cụ thể, Vietcombank đang thay đổi cơ cấu tổ chức bộ máy, xây dựng bộ phận chăm sóc khách hàng riêng biệt, bộ phận xây dựng chính sách sản phẩm và bộ phận bán hàng chuyên biệt cho DNVVN. Với các chính sách khách hàng linh hoạt, Vietcombank chủ động tìm kiếm khách hàng trong tất cả các lĩnh vực có DNVVN tham gia, trong đó ưu tiên DNVVN ngành công nghiệp phụ trợ, DN vệ tinh, DN tham gia vào chuỗi sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, ngân hàng này cũng tập trung giải quyết và đáp ứng nhu cầu về vốn lưu động, vốn đầu tư trung - dài hạn; trong đó đã bỏ một số điều kiện về tài sản bảo đảm, giảm tỷ lệ tài sản đảm bảo tùy thuộc vào xếp hạng tín dụng, do vậy các DNVVN có thể thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay ngân hàng. Bên cạnh lãi suất ưu đãi 6,5%/năm vay VND và vay USD từ 2,8%/năm, Vietcombank cũng cam kết các mức lãi suất cố định 2 năm, 3 năm, 5 năm, giúp DNVVN quản trị chi phí, an tâm sản xuất kinh doanh với mức lãi suất cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh đó, Vietcombank đưa ra các chương trình cho vay với lãi suất cạnh tranh, áp dụng chuyên biệt cho các DN khởi nghiệp và DN khởi nghiệp sáng tạo…
60% vốn là “tín dụng đen”
Nhiều DNVVN vẫn khá chật vật khi tiếp cận với các nguồn vốn trên. DNVVN nguồn vốn có hạn nên rất cần vay vốn ưu đãi cũng như các chính sách hỗ trợ từ ngân hàng. Các chính sách từ nhà nước giúp khơi thông nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng, cũng như các quỹ đầu tư dành cho DNNVV chính là “phao cứu sinh” cho DN, thế nhưng thực tế khi đi vay DN gặp rất nhiều khó khăn về mặt thủ tục. Bên cạnh đó, DN nào cũng muốn đổi mới sáng tạo, tiếp cận công nghệ mới để phát triển nhưng tiếp cận vốn để đầu tư công nghệ hiện nay quá khó khăn.
Về việc này, lãnh đạo Ngân hàng BIDV chi nhánh Bến Nghé nhìn nhận, bên cạnh nguồn vốn ngân hàng, các quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNVVN ở Việt Nam không thiếu, nhưng thời gian qua hoạt động không hiệu quả. Để các quỹ này phát huy tác dụng, cơ chế chính sách phải rõ ràng, chi tiết và đảm bảo an toàn cho cả người được bảo lãnh và người ký bảo lãnh. Bên cạnh đó, nhiều DN có ý tưởng công nghệ mới rất hay nhưng chưa có sản phẩm thực tế nên không có tài sản đảm bảo vay vốn theo đúng quy định. Do đó, nhà nước cần có chính sách cụ thể về vấn đề công nghệ mới (giống như các quỹ đầu tư mạo hiểm chấp nhận rủi ro trong lĩnh vực công nghệ mới), từ đó tạo điều kiện cho cả ngân hàng và DN có điều kiện tiếp cận vốn.
Phần lớn DNVVN là những thanh niên, kỹ sư đi lên từ đam mê, mong muốn khởi nghiệp. Nhóm DN này không biết gì về vốn, trong khi việc tiếp cận ngân hàng không dễ. Vốn thực của họ chỉ chiếm 20% - 30%, còn lại là liên kết tài chính giữa gia đình, bạn bè... Khi ngân hàng không cho vay, trái phiếu Chính phủ không thể tiếp cận, họ buộc phải sử dụng đến nguồn vốn không chính thức là “tín dụng đen”. Theo vị này, thị trường vốn hiện nay có nhiều loại hình cho vay nhưng chi phí tương đối cao. Có DNVVN có tới 60% tổng vốn sản xuất kinh doanh là vốn từ “tín dụng đen”. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc DN phải vay “tín dụng đen” như thủ tục vay nhanh gọn, không vướng điều kiện chặt chẽ như của ngân hàng. Ngoài ra, không ít DN vay “tín dụng đen” để trả nợ cho ngân hàng.
Từ đó, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải làm thế nào để nhà nước giúp và cung ứng nguồn vốn. Cụ thể, 2 bên cùng ngồi lại với nhau để tháo gỡ, rà soát lại để đơn giản hóa thủ tục cho vay, thủ tục thanh toán. Cùng với đó, nhà nước cần những chương trình ưu đãi để có cách tiệm cận tốt hơn.
Ảnh: Cao Thắng
Bài: Thi Hồng - Thanh Hải
Nguồn: http://www.sggp.org.vn/can-nhieu-kenh-tiep-von-cho-doanh-nghiep-541700.html
Tin mới hơn | CHÁO TƯƠI SÀI GÒN FOOD: BẢO QUẢN BẰNG CÔNG NGHỆ PHI HÀNH GIA | |
Tin cũ hơn | CHIÊU SINH HỌC KỲ DOANH NGHIỆP NĂM 2019 |