CEO Saigon Food Lê Thị Thanh Lâm: Nhiều bạn trẻ còn lơ mơ về khởi nghiệp

Ngày 17/10/2017

Hương Xuân - 07:00, 14/10/2017

TheLEADER - Khởi nghiệp mà theo kiểu "con trâu cái cày, buôn gánh bán bưng" hoặc sao chép thì chỉ làm nghèo thêm cho đất nước thôi.

Là một thành viên trong Hội đồng tư vấn hỗ trợ khởi nghiêp quốc gia khu vực phía Nam, bà Lê Thị Thanh Lâm - CEO Saigon Food từng có nhiều năm đồng hành với nhiều chương trình khởi nghiệp, ngồi ghế giám khảo một số cuộc thi khởi nghiệp dành cho sinh viên. Chia sẻ với TheLEADER nhân ngày Doanh Nhân 13/10, bà Lâm cho biết, nhiều bạn trẻ còn khá "lơ mơ" về khởi nghiệp, băn khoăn nhất là phong trào nhà nhà khởi nghiệp, người người khởi nghiệp, có ý tưởng là vội vã khởi nghiệp cho bằng chị, bằng anh ...như hiện nay.


Bà Lê Thị Thanh Lâm - Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại Sài Gòn Food. Ảnh Doanh nhân sài gòn

Là người gắn bó chặt chẽ với các chương trình khởi nghiệp của giới trẻ, bà đánh giá thế nào về chủ trương Quốc gia khởi nghiệp? Bà có lo lắng nhiều không khi phong trào này đang khiến cho các bạn trẻ lao vào khởi nghiệp nhưng lại không được chuẩn bị kỹ năng cần thiết?

Bà Lê Thị Thanh Lâm: Hiện thực hoá chương trình Quốc gia khởi nghiệp là một chủ trương đúng đắn trong bối cảnh kinh tế mở cửa, cạnh tranh khốc liệt. Tuy nhiên, nếu nhà nhà khởi nghiệp, người người khởi nghiệp, có ý tưởng là vội vã khởi nghiệp cho bằng chị, bằng anh ...như hiện nay thì nên xem lại.

Là một thành viên trong Hội đồng tư vấn hỗ trợ khởi nghiêp quốc gia – khu vực phía Nam và từng ngồi ghế giám khảo một số cuộc thi khởi nghiệp dành cho sinh viên, tôi thấy không ít bạn trẻ còn khá lơ mơ về khởi nghiêp, cứ tưởng rằng có chút vốn liếng và ý tưởng là bắt đầu được. 

Nhưng thật sự khởi nghiệp phải đi đôi với sáng tạo, công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật ... thì mới mong làm giàu cho đất nước, còn nếu khởi nghiệp theo kiểu "con trâu cái cày, buôn gánh bán bưng" hoặc sao chép thì chỉ làm nghèo thêm cho đất nước mà thôi.

Trách nhiệm của những người đi trước, của nhà trường, của truyền thông là giúp cho giới trẻ đừng quá tả rồi chuyển qua quá hữu, hãy giúp các bạn hiểu đúng về lập nghiệp và khởi nghiệp để có những bước tiến vững chắc trong tương lai.

Dưới góc độ doanh nhân, doanh nghiệp, bà nhìn nhận thế nào về vai trò và trách nhiệm của mình trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, hướng tới phát triển bền vững, không tàn phá môi trường và xã hội?

Bà Lê Thị Thanh Lâm: Để phát triển bền vững, Sài Gòn Food luôn lấy chất lượng sản phẩm dịch vụ làm nền tảng để phục vụ khách hàng, đồng thời, xây dựng văn hóa doanh nghiệp đặc trưng, kiên định với tầm nhìn “trở thành nhà sản xuất và cung cấp thực phẩm chuyên nghiệp hàng đầu Việt Nam” và sứ mệnh “mang những giải pháp tối ưu đến cho người phụ nữ trong việc chăm sóc bữa ăn gia đình”.

Đối với Sài Gòn Food, sự sáng tạo đổi mới đã trở thành yếu tố sống còn bởi chúng tôi hiểu rõ một điều: “Muốn tồn tại phải thích nghi”. Chúng tôi thích nghi bằng cách đổi mới sản phẩm phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng, thay đổi ứng dụng công nghệ trong quản trị và cả trong sản xuất. 

Bằng chứng là trong mục tiêu phát triển 5 năm tiếp theo, Sài Gòn Food sẽ dần trang bị các thiết bị sản xuất hiện đại nhằm tự động hóa các dây chuyền sản xuất đến mức tối đa, tạo ra những sản phẩm thân thiện với môi trường, có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và kinh tế trong nước nhiều biến động như hiện nay, chiến lược kinh doanh của công ty chị có gì khác biệt?

Bà Lê Thị Thanh Lâm: Sài Gòn Food sẽ tập trung phát triển nội lực, trong đó chú tâm đến yếu tố con người, thể hiện qua các hoạt động đào tạo phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là các chương trình như:

Đào tạo đội ngũ chủ chốt, cán bộ quản lý về kỹ năng chuyên môn, phương pháp tư duy tích cực; Học Kỳ Doanh Nghiệp – hoạt động trải nghiệm môi trường doanh nghiệp dành cho sinh viên, thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp cũng nhằm tìm kiếm nguồn nhân lực đầu vào cho Sài Gòn Food; 

Lớp trung cấp chế biến thủy sản vừa khai giảng là một chương trình đào tạo nhằm củng cố và nâng cấp nguồn nhân lực tại chỗ về trình độ tay nghề lẫn tinh thần và thái độ phục vụ khách hàng; Phát triển các chương đào tạo mới như Quản trị viên tập sự, Mentoring trong doanh nghiệp nhằm xây dựng nguồn nhân lực kế thừa trong tương lai...

Ngoài ra, trên nền tảng văn hoá doanh nghiệp hiện có, Sài gòn Food đang trong quá trình củng cố và phát triển để ngày càng khẳng định bản sắc riêng, tạo nên môi trường đáng sống và đáng làm việc cho toàn thể cán bộ công nhân viên.

Xin cảm ơn bà!